Covid-19 tiếp tục là động lực phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, thanh toán online. Trong đợt dịch thứ 4, khi một số địa phương đang thực hiện giãn cách, các trang thương mại điện tử đều ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Số liệu do Adsota, một công ty tiếp thị thuộc Appota, tổng hợp từ nhiều nguồn cho thấy người dùng ngày càng chú trọng mua sắm trên mạng, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu trong nhà và quan tâm tới sản phẩm có chất lượng hơn giá cả.
Sau khi dịch bùng phát năm 2020, 93% người tham gia khảo sát cho biết mua sắm trên mạng đều đặn ít nhất một lần mỗi tuần. Số người thường xuyên mua sắm (hơn 4 lần/tuần) chiếm đến 39%. Trong đó, 58% người nói thường mua sắm trên thương mại điện tử hơn sau ảnh hưởng của đại dịch.
Trừ ngành du lịch, khách sạn bị giảm 40,5%, các ngành hàng khác trên thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Trong đó, thực phẩm và chăm sóc sức khoẻ tăng mạnh nhất, 45,9%, kế đến là thời trang, làm đẹp (37,2%) và trò chơi (35,3%).
Người Việt dành thời gian cho các hoạt động giải trí nhiều hơn trước. Trong đó, thời gian sử dụng Internet, thời gian xem TV, sử dụng các kênh nghe nhạc trực tuyến đều tăng.
Hơn một nửa người tham gia khảo sát cho biết hạn chế đi siêu thị, cửa hàng, chợ,… 25% người gia tăng mua sắm trực tuyến.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng xu hướng mua sắm của người dùng. Chẳng hạn, phần lớn (84%) gia tăng mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hơn một nửa tập trung mua sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và nhà ở. Rất nhiều người giảm mua sản phẩm liên quan đến giao thông vận tải và giáo dục.
Trong kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng, các ngành hàng bị giảm mạnh nhất gồm có du lịch, đi ăn ngoài, karraoke, luyện tập.
Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về tỷ lệ khách hàng kỹ thuật số mới so với tổng khách hàng ở ngành dịch vụ. Trong đó, tỷ lệ khách kỹ thuật số này sẽ quay lại dùng dịch vụ ít nhất một lần sau Covid-19 rất cao, 94%, thuộc top cao trong khu vực.
Đối với ngành nhu yếu phẩm, tỷ lệ người tiêu dùng mua cửa hàng online tăng mạnh, lên 59,8%, cao nhất trong các kênh tiêu dùng. Kênh trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hoá bị giảm; trong đó chợ truyền thống giảm mạnh (35% so với 73,5% trước dịch). Xu hướng mua ở cửa hàng tiện lợi gia tăng.
Nhìn chung, Covdi-19 trở thành động lực cho các hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong đó, các hoạt động mua sắm và giải trí dịch chuyển mạnh lên online, biến Việt Nam thành một quốc gia tiềm năng cho ngành kinh tế kỹ thuật số.Khi mua sắm sau đại dịch, mức độ quan tâm về giá cả không còn lớn. Trong đó, chất lượng và độ bền được quan tâm nhiều hơn trong đa số các mặt hàng được khảo sát.
Hải Đăng (biểu đồ: Adsota)
Nguồn : Vietnamnet